Viêm khớp nhiễm khuẩn hay còn gọi là viêm khớp liên cầu là một dạng do liên cầu khuẩn gây ra, bệnh không những gây tổn thương ở khớp mà còn ảnh hưởng đến toàn cơ thể. Bệnh thường ít gặp hơn so với các bệnh viêm khớp khác nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tiến triển nhanh cũng như để lại nhiều di chứng nặng nề.
Tìm hiểu chung viêm khớp liên cầu
Viêm khớp liên cầu là bệnh lý gì?
Liên cầu khuẩn (Streptococcus) là cầu khuẩn gram dương, không di động, không hình thành bào tử, hầu hết liên cầu khuẩn là vi khuẩn kỵ khí, tồn tại trên da và vòm họng của người. Khi sức đề kháng của cơ thể giảm liên cầu khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể thường gây ra các bệnh ở đường hô hấp, máu hoặc nhiễm trùng da.
Viêm khớp liên cầu thường do liên cầu khuẩn xâm nhập vào gây tổn thương khớp khi gặp điều kiện thuận lợi như chấn thương, vùng quanh khớp có vết thương hở,... đặc trưng bởi phản ứng viêm với triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau vùng khớp, bên cạnh đó có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi,… Bệnh khởi phát đột ngột, diễn tiến nhanh có thể gây ra những biến chứng nặng nề.
Triệu chứng viêm khớp liên cầu
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp liên cầu
Viêm khớp liên cầu có các dấu hiệu và triệu chứng ở khớp cũng như toàn thân:
Tại khớp
- Đau nhức ở khớp bị nhiễm liên cầu khuẩn thường là khớp háng, khớp gối, khớp vai, khớp cổ tay,… đau dữ dội, tăng khi vận động;
- Khớp viêm sưng nóng đỏ hơn các vùng da xung quanh;
- Cơ co cứng, giới hạn vận động;
- Ổ khớp bị tràn dịch, có thể xuất hiện dịch mủ.
Toàn thân
- Sốt cao 39 - 40 độ C;
- Đau nhức cơ thể, uể oải, đôi khi có ớn lạnh, rét run;
- Dấu hiệu nhiễm trùng: Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi.
Một số triệu chứng ít gặp hơn như: Nổi hạch xung quanh khớp bị viêm, có các tổn thương da đi kèm như chốc mép, viêm quầng, hăm kẽ,…
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp liên cầu
Viêm khớp liên cầu mặc dù ít phổ biến, không quá nguy hiểm nhưng cũng gây ra nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bao gồm:
- Tác động trên sụn khớp: Thường ở các khớp lớn, viêm khớp liên cầu có thể gây tổn thương sụn khớp. Có thể phát triển thành viêm đa khớp ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nặng hơn còn có thể làm sụn khớp bị phá huỷ hoặc biến dạng khớp.
- Tác động trên các cơ quan khác: Liên cầu khuẩn còn có thể tấn công một số cơ quan khác như tim, phổi làm tổn thương, suy giảm chức năng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh,… Ngoài ra nó còn có thể đi theo đường máu tấn công vào hệ miễn dịch khiến hệ miễn dịch suy giảm gây ra các bệnh lý nhiễm trùng khác.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu xuất hiện các triệu chứng kể trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh để cho bệnh tiến triển nặng hơn cũng như hạn chế biến chứng xảy ra.
Nguyên nhân viêm khớp liên cầu
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp liên cầu
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến viêm khớp liên cầu là do liên cầu khuẩn Streptococcus thường có ở họng và trên da, bình thường chúng không gây bệnh. Viêm khớp liên cầu mắc phải khi có tổn thương trong cơ thể do chấn thương hay gặp một số yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào làm tổn thương khớp như:
- Bị chấn thương khớp trong thời gian dài hoặc tổn thương rách bao khớp.
- Có những ổ nhiễm khuẩn bên cạnh khớp do liên cầu như viêm gân cơ, viêm đường tiết niệu, viêm xương, mụn nhọt…
- Thực hiện các thủ thuật xâm lấn như chọc dò dịch khớp, tiêm khớp mà không đảm bảo đúng kỹ thuật và vô trùng.
- Do nhiễm trùng tại một số cơ quan khác gây biến chứng nhiễm trùng lên khớp.
Nguy cơ viêm khớp liên cầu
Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp liên cầu ?
Mọi đối tượng đều có khả năng mắc viêm khớp liên cầu. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ cao hơn có thể mắc bệnh như:
- Các nhóm đối tượng có sức khỏe, đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, những người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, HIV,…
- Nhóm người thường xuyên sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc sử dụng corticoid trong thời gian dài.
- Người đã từng chấn thương và mắc bệnh nhiễm trùng xương khớp.
- Người có bệnh lý về cơ xương khớp như thoái hoá khớp,…
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp liên cầu
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc viêm khớp liên cầu:
- Chấn thương tại khớp, tổn thương bao khớp, có vết thương hở tại khớp.
- Khi sức đề kháng suy giảm, sử dụng corticosteroid trong thời gian dài.
- Mắc các bệnh nhiễm trùng ở xương khớp hoặc các vùng xung quanh khớp như nhiễm trùng tiết niệu, viêm gân cơ hoặc có nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
- Từng mắc viêm phổi hay nhiễm trùng các cơ quan khác gây biến chứng hoặc nhiễm trùng lên khớp.
Phương pháp chẩn đoán & điều trị viêm khớp liên cầu
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp liên cầu
Viêm khớp liên cầu được chẩn đoán dựa trên triệu chứng, tiền sử bệnh lý và thăm khám lâm sàng. Ngoài ra cũng cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra số lượng bạch cầu, nồng độ Protein phản ứng C (CRP), procalcitonin, xem diễn tiến tình trạng nhiễm trùng của cơ thể.
- Xét nghiệm dịch khớp: Giúp xác định liên cầu khuẩn Streptococcus có phải là nguyên nhân gây ra viêm khớp, và dịch khớp có mủ hay không.
- Cấy máu: Giúp xác định loại vi khuẩn gây ra bệnh, kiểm tra độ nhạy của vi khuẩn, từ đó đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân.
- Chẩn đoán hình ảnh: Sử dụng phương tiện chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT scan, MRI nhằm phát hiện vị trí, mức độ tổn thương của khớp hay phát hiện các loại viêm khớp khác.
Phương pháp điều trị viêm khớp liên cầu
Điều trị nội khoa
Viêm khớp liên cầu là do liên cầu khuẩn gây ra nên cần sử dụng kháng sinh để điều trị. Ban đầu sẽ sử dụng thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch theo kinh nghiệm của bác sĩ để điều trị. Sau khi có kết quả cấy máu, kháng sinh đồ của từng loại vi khuẩn, khả năng kháng thuốc và mức độ bệnh mà thời gian và loại kháng sinh được sử dụng có thể khác nhau.
Bên cạnh thuốc kháng sinh, có thể sử dụng phối hợp thêm Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid để giảm đau, hạ sốt, giảm viêm trong ổ khớp.
Biện pháp hỗ trợ khác
Ngoài sử dụng thuốc, có thể chỉ định một số biện pháp hỗ trợ điều trị khác như:
- Dẫn lưu khớp: Khi xuất hiện tràn dịch và mưng mủ trong ổ khớp, dẫn lưu khớp được chỉ định làm giảm lượng mủ và dịch trong khớp giúp cải thiện các triệu chứng sưng và đau khớp.
- Nội soi rửa khớp: Được chỉ định khi dịch mủ đặc không thể loại bỏ dịch mủ bằng dẫn lưu khớp.
Điều trị ngoại khoa
Khi có tổn thương đến mô sụn, mô mềm phẫu thuật sẽ được chỉ định nhằm loại bỏ hết ổ dịch mủ, vùng viêm nhiễm.
Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa viêm khớp liên cầu
Phương pháp phòng ngừa viêm khớp liên cầu
Để phòng ngừa viêm khớp liên cầu, nên chú ý những điều sau:
- Cần vệ sinh vết thương đúng cách và điều trị dứt điểm khi bị chấn thương khớp.
- Khi mắc các bệnh nhiễm trùng cần điều trị kịp thời và triệt để tránh nhiễm trùng vào máu gây biến chứng nguy hiểm.
- Luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress.
- Xây dựng chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng phù hợp, tránh tăng cân quá nhiều dẫn đến béo phì.
Chế độ sinh hoạt:
Duy trì thói quen sinh hoạt tốt giúp hạn chế các bệnh nhiễm trùng:
- Nghiêm túc tuân thủ theo phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra.
- Gặp chấn thương ở khớp cần đi khám để được điều trị, vệ sinh sạch sẽ vết thương đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng trong ổ khớp.
- Luyện tập thể chất phù hợp giúp tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch.
- Nên ngủ sớm, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, vui vẻ.
- Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân và môi trường sống hàng ngày sạch sẽ tránh để vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
- Ngưng sử dụng các chất kích thích, hút thuốc lá, bia, rượu.
- Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh. Chỉ sử dụng khi được bác sĩ chỉ định và nên uống đúng liều và thời gian bác sĩ kê toa.
Chế độ dinh dưỡng:
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh giúp tăng cường sức đề kháng chống lại nhiễm khuẩn như:
- Ăn nhiều các thực phẩm có tác dụng kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch có trong: Các loại rau củ trái cây (rau bina, bông cải xanh, bắp cải, bí đỏ, cà rốt,cà chua, ớt chuông, đu đủ, kiwi,...) các món ăn chứa dầu oliu (trong dầu Oliu có chứa các acid béo tốt và các hoạt chất kháng viêm giúp làm giảm cholesterol và chống viêm nhiễm), một số loại cá như (cá hồi, cá thu, cá ngừ,…), một số loại củ làm gia vị (tỏi, gừng, nghệ,... giúp kháng viêm, tăng sức đề kháng), các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ, hạt bí,…) góp phần giúp tái tạo sụn khớp, tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế ăn các loại thịt chứa nhiều đạm như thịt bò, thịt trâu, thịt dê, các thực phẩm nhiều dầu mỡ, các chất béo không tốt, thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp.
- Hạn chế ăn thức ăn chứa quá nhiều tinh bột.
- Ăn chín uống sôi, uống nhiều nước, hạn chế ăn mặn, ăn quá ngọt, các thực phẩm chứa nhiều tinh bột.